Nhắc đến đặc sản của phố biển Quy Nhơn, nàng thơ của dải đất Bình Định nói riêng và cả nước nói chung, hình ảnh đầu tiên và luôn đứng hàng đầu ấy phải là tô bún chả cá Quy Nhơn.
Bún chả cá Quy Nhơn
Bao nhiêu năm nay, những người con xứ Nẫu và những người từng một lần ghé xứ này, dù là một hay nhiều lần ăn tô bún cá ở đây, đều không nguôi nhớ thương và thổn thức mỗi khi có ai đó hay điều gì nhắc nhớ. Bún chả cá Quy Nhơn từ lâu đã trở thành món ăn mang biểu tượng của xứ biển này.
Tôi ăn bún chả cá Quy Nhơn cách đây hơn 20 năm. Từ khi bắt đầu được mẹ dẫn vào thành phố để đi học. Và, mỗi sáng, mỗi tuần, mỗi tháng, thực đơn duy nhất của tôi là bún cá. Chưa bao giờ tôi có cảm giác ngán hay thờ ơ với món ăn này.
Thời đó, bún bánh rẻ vô cùng. Sản vật còn dồi dào, con người hào sảng. Ăn một tô bún mà chỉ bằng ăn 3 cái kẹo, tức chỉ cỡ 1000 đồng/tô. Tôi còn nghĩ ra trò ăn một ít bún. Sau đó húp sạch nước rồi ỏn ẻn xin cô bán hàng cho con thêm chút nước. Kế đến là ăn hết bún chừa nước lại rồi xin thêm ít bún. Mỗi lần như thế, cô lại hào phóng nhón cho tôi ít chả. Cứ thế tôi làm mấy bận. Tất nhiên sau cùng, cô chỉ tính tiền một tô bún ban đầu. Còn tôi thì được một bụng no kềnh.
Nghề bún chả cá Quy Nhơn
Ngày nay, dẫu Quy Nhơn đã có nhiều nhà hàng bún chả cá mọc lên, to đẹp và sang trọng. Nhưng đa phần người sành ăn vẫn chọn ăn bún chả cá ở một quán vỉa hè ven đường Nguyễn Huệ.
Bà Hồng Thị Thu (65 tuổi, ở P.Trần Phú, TP.Quy Nhơn) chủ quán Bún Chả cá Quy Nhơn trên đường Nguyễn Huệ. Bà cho biết: “Tui bán bún được gần 40 năm rồi. 40 năm nay, từ ngày đầu đến bây giờ, tui chỉ bán duy nhất một loại bún cả cá như vầy. Mùi vị chất lượng không đổi. Những ngày đầu, tui tự mua cá về làm chả nấu bún, ăn thấy ngon mới nấu bán. Hồi đó, một tô bún tui bán có 500 đồng trong hẻm nhỏ. Vậy mà mà người ta ăn đông nghịt bán không kịp. 20 năm nay, tui thuê nhà này để bán bún. Dù đa số khách ngồi ăn vỉa hè nhưng họ vẫn đến với quán của tui”.
Chả cá Quy Nhơn của quán bà Thu khiến người ăn hài lòng và an tâm. Chả được làm từ 3 loại cá mắc tiền là cá thu, cá nhồng và cá măng. Miếng chả dai, ngon và không có pha chút bột nào. Vị ngọt trong từng thớ chả cả là thứ vị ngọt tự nhiên, đậm mùi cá. Nước bún cũng chỉ được nấu bằng xương cá tươi mỗi ngày, ngọt lừ.
Bà Thu cũng thuộc kiểu người “bảo thủ” trong việc buôn bán. Cá không ngon, không làm chả. Không có loại sứa ngon nhất thì nghỉ bán kèm, chứ không thêm bán các loại sứa cấp thấp hơn. Mỗi lần ghe vô, có cá ngon, bà Thu lại mua thật nhiều làm chả, trữ lạnh rồi bán dần. Bà nói: “Tui bán 30.000 đồng/tô bún chả cá, nhiều người nói mắc, chắc lời dữ lắm. Nói vậy là họ không sành ăn rồi. Người sành ăn, ăn miếng chả vô sẽ biết chả này làm từ loại cá mắc hay rẻ. Nguyên liệu mắc, sao bán giá thấp được. Mà dù lời hay lỗ gì, tui cũng vẫn giữ kiểu nấu bún này. Chất lượng phải là ưu tiên số một”.
Vậy là, sáng sáng, quán bún chả cá vỉa hè của bà Thu vẫn cứ đông khách.
(Theo báo Thanh niên 29/10/2015)